Hậu quả đáng ngại khi bị tụt lợi
Hậu quả đáng ngại khi bị tụt lợi
BS. Thành Như - 19:41 28/03/2021 GMT+7 (Theo SK&ĐS)
Suckhoedoisong.vn - Tụt lợi là bệnh lý nha khoa phổ biến đặc trưng bởi sự co về phía cuống răng của bờ lợi làm hở chân răng ảnh hưởng đến vùng răng phía trước.
Mặc dù là bệnh không nguy hiểm nhưng gây cảm giác khó chịu cho người bệnh trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, đây là dấu hiệu cảnh báo cho hiện tượng mất xi măng, mòn cổ răng, lộ ngà răng tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn tấn công răng gây bệnh, thậm chí có thể mất răng hoàn toàn.
Khi bị tụt lợit hì phần lợi bảo vệ chân răng di chuyển xuống cuống răng sâu phía dưới, khiến cho phần thân răng tại đây hở ra ngoài.
Người mắc bệnh tụt lợi chân răng có các biểu hiện sau: lợi sưng đỏ, có cảm giác đau và khó chịu. Xảy ra tình trạng chảy máu chân răng sau khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa; hơi thở có mùi khó chịu; lợi bị rút lại rõ rệt, răng lung lay.
Hình ảnh lợi bị tụt.
Các nguyên nhân gây tụt lợi
Nguyên nhân sang chấn: có thể là do chải răng sai kỹ thuật làm sang chấn mòn lợi (lợi mỏng và thấp dần). Mặc dù chải răng quan trọng cho sự lành mạnh của lợi nhưng chải răng không đúng kỹ thuật gây mòn lợi. Các nghiên cứu đã cho thấy có sự liên quan giữa tụt lợi và thói quen dùng bàn chải cứng.
Nguyên nhân bệnh lý: do viêm quanh răng; sang chấn khớp cắn là yếu tố thuận lợi làm trầm trọng tụt lợi do tăng sinh biểu mô và viêm tại chỗ; Viêm nha chu: là bệnh lý khiến mô lợi và các tổ chức nâng đỡ răng bị phá hủy, từ đó khiến chân răng bị tụt lợi; cao răng không được lấy kịp thời và qua thời gian tích tụ sẽ khiến cho chân răng bị tụt lợi và gây chảy máu
Yếu tố thuận lợi về sinh lý và giải phẫu: Mức độ mòn lợi bị ảnh hưởng bởi vị trí của răng trên cung hàm, góc của chân răng trong xương hàm, độ cong gần xa của bề mặt chân răng. Ở những răng xoay, nghiêng, sai vị trí lệch ra phía tiền đình thì tấm xương ổ răng mỏng, bị giảm chiều cao, áp lực khi nhai thức ăn cứng hoặc do chải răng sẽ làm mòn phần lợi không được xương nâng đỡ phía dưới, gây ra tụt lợi.
Nguyên nhân do góc độ của chân răng trong xương hàm dễ thấy nhất ở vùng răng hàm lớn hàm trên. Nếu chân hàm ếch nghiêng nhiều về phía hàm ếch hoặc 2 chân phía tiền đình ngả ra phía ngoài nhiều quá sẽ làm xương ở vùng cổ răng mỏng và ngắn, dẫn đến mòn bờ lợi không được xương nâng đỡ. Nếu kèm theo mòn mặt nhai thì co lợi sẽ trầm trọng hơn. Mòn mặt nhai thường đồng hành với chồi răng và làm tăng rõ sự nghiêng của chân răng, điều này càng làm giảm lượng xương ổ răng che phủ cổ răng và tăng tụt lợi do giảm sự nâng đỡ lợi; teo tổ chức quanh răng ở người già; phanh niêm mạc miệng bám sai vị trí.
Tụt lợi để lại hậu quả thế nào?
Tụt lợi có thể để lại một số hậu quả như: làm bề mặt chân răng lộ ra nên dễ bị sâu chân răng, chân răng mòn khi chải răng làm lộ ngà răng gây ê buốt răng khi bị kích thích nóng lạnh, chua ngọt. Khi tụt lợi vượt quá ranh giới lợi dính - niêm mạc tiền đình thì bờ lợi thường xuyên bị co kéo trong các hoạt động chức năng nhai làm bong lợi khỏi bề mặt răng. Tụt lợi tạo điều kiện cho mảng bám, thức ăn và vi khuẩn tích tụ nhất là tụt lợi vùng kẽ răng; Ảnh hưởng lớn đến tính thẩm mỹ của nhóm răng.
Dự phòng tụt lợi có khó?
Để phòng tụt lợi cần chải răng sau khi ăn 15 phút. Tối thiểu nên chải răng mỗi ngày 2 lần: sau khi ăn sáng và ăn tối. Thời gian mỗi lần chải răng nên trong khoảng từ 3-5 phút, nên sử dụng bàn chải có độ cứng vừa phải hoặc bàn chải mềm để không xước lợi, những người có hàm răng đều có thể chải ngang còn những người răng mọc chen chúc thì nên chải dọc để làm sạch hết các kẽ răng. Sau khi chải răng nên súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn để giảm số lượng vi khuẩn có trong miệng và các kẽ răng. Nếu có thức ăn dắt ở kẽ răng thì nên sử dụng chỉ nha khoa để lấy ra.
Cần định kỳ kiểm tra sức khỏe răng miệng giúp người bệnh phòng tránh nguy cơ tụt lợi nói riêng và các bệnh răng miệng nói chung.
BS. Thành Như