VIDEO BÀI GIẢNG

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT

tuyen sinh 2

 ảnh ts2

Chính thức chuyển hơn 500 trường CĐ, TCCN về Bộ Lao động TB&XH

Theo ; Dân trí Chiều ngày 9/11, Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành Lễ bàn giao chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung tại lễ bàn giao chiều 9/11

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện tại, cả nước có 234 trường cao đẳng bao gồm: 199 trường công lập và 35 trường tư thục, dân lập, bán công với 449.558 sinh viên và 24.260 giảng viên. Trong số này có 33 trường cao đẳng sư phạm. Ngoài ra, còn có 3 trường cao đẳng thuộc các đại học (1 trường thuộc ĐH Thái Nguyên và 2 trường thuộc ĐH Đà Nẵng) và 106 trường đại học, học viện đào tạo hệ cao đẳng với tổng chỉ tiêu là 39.787 chỉ tiêu.

Cả nước có 303 trường trung cấp chuyên nghiệp bao gồm: 175 trường công lập và 128 trường ngoài công lập, tổng số học sinh là 315.000 và 18.309 giáo viên.

Theo đó, Bộ GD&ĐT bàn giao nguyên trạng chức năng quản lý nhà nước đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (không tính các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên các cấp); nguyên trạng chức năng quản lý nhà nước đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại các trường đại học và các cơ sở giáo dục khác (không tính lĩnh vực đào tạo giáo viên); Hồ sơ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; Các đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp;

Các nhiệm vụ xây dựng, thực hiện đề án về giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ (Phụ lục IV). Nhân sự đối với công chức của Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhu cầu chuyển về công tác tại Tổng cục dạy nghề thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Hai Bộ dự kiến sẽ ký biên bản bàn giao trước ngày 31/12/2016. Kể từ ngày 1/1/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên).

Hai Bộ cũng thống nhất xử lý các công việc cụ thể như sau:

 

Giai đoạn chuyển tiếp: Các trường cao đẳng hiện nay đang thuộc hệ thống giáo dục đại học nên mục tiêu, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn cán bộ giảng viên khác biệt rất nhiều so với các trường cao đẳng nghề.

Do đó cần có giai đoạn chuyển tiếp để giáo viên, sinh viên yên tâm trước khi triển khai chương trình đào tạo mới theo hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

 

Về tuyển sinh: Bộ GD&ĐT tiếp tục xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan đến tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp năm 2016.

Từ năm 2017 các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Về đào tạo: Những sinh viên cao đẳng tuyển sinh từ khóa 2016 trở về trước được tiếp tục học chương trình cao đẳng hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học, được cấp bằng cao đẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT.

Những sinh viên tuyển sinh từ khóa 2017 trở đi học theo chương trình mới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cấp bằng cao đẳng thuộc giáo dục nghề nghiệp;

 

Về liên thông trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học: Những học sinh, sinh viên trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, tuyển sinh từ năm 2016 trở về trước nếu có đủ điều kiện theo quy định hiện hành thì được tạo điều kiện để học liên thông lên đại học nếu có nguyện vọng.

Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh chỉ tiêu liên thông của các trường ĐH để có thể tuyển sinh đào tạo liên thông trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học cho các đối tương này.

Việc đào tạo liên thông đối với học sinh, sinh viên thuộc giáo dục nghề nghiệp tuyển từ năm 2017 trở đi sẽ thực hiện theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ.

Về xử lý các hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: Bộ GD&ĐT tiếp tục xử lý dứt điểm các hồ sơ tồn đọng của các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đã gửi về Bộ trước ngày 31/10/2016 và đang trong quá trình xử lý.

 

 

Nhật Hồng