VIDEO BÀI GIẢNG

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT

tuyen sinh 2

 ảnh ts2

HỌC PHÍ ĐẠI HỌC TĂNG CHÓNG MẶT

Học phí đại học tăng chóng mặt

Thứ Tư, ngày 14/4/2021 - 07:27

(PLO)- Từ năm học 2021-2022 tới, nhiều trường đại học công lập tại TP.HCM áp dụng mức thu học phí tăng mới, thậm chí gấp đôi hiện nay.

Hầu hết trường đại học (ĐH) hiện nay đã công bố đề án tuyển sinh năm 2021. Trong đó, mức thu học phí dự kiến cho các hệ đào tạo của năm học tới cũng được các trường công bố. Điều khiến phụ huynh, thí sinh bất ngờ và không khỏi lo lắng là học phí ở nhiều trường đồng loạt tăng mạnh, nhất là những trường có tỉ lệ chọi cao.

Năm sau gấp đôi năm trước

Ở khối trường công lập, khối trường đào tạo sức khỏe có học phí tăng “khủng” nhất trong hai năm nay.

Như theo công bố mới nhất của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từ năm học 2021-2022 tới đây, trường dự kiến áp dụng mức học phí mới theo hai mức.

Trong đó, nhóm ngành y khoa, dược học, răng-hàm-mặt có mức 32 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại là 28 triệu đồng.

So với năm 2020, mức thu này tăng hơn gấp đôi, bởi hiện nay học phí của trường chỉ theo hai mức: Những em hộ khẩu tại TP.HCM chỉ hơn 14 triệu đồng/năm, còn lại là hơn 28 triệu đồng.

Về vấn đề này, PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch hội đồng trường, cho rằng thực ra trường được phê duyệt đề án tự chủ từ năm 2019 nhưng không được điều chỉnh tăng học phí. Điều này khiến trường rất khó khăn vì đào tạo nhóm ngành đặc biệt này quá tốn kém. Chi phí đào tạo trung bình cho một sinh viên (SV) đã khoảng 32 triệu đồng/năm.

Còn Trường ĐH Y Dược TP.HCM hiện chưa công bố mức học phí mới nhưng từ năm 2020 đã chính thức áp dụng học phí mới theo cơ chế tự chủ với mức tăng gấp 3-4 lần so với những năm học trước.

Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có mức học phí hệ chất lượng cao “khủng” khi thu từ 55 triệu đến gần 90 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, bốn trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đã lần lượt công bố lộ trình tăng học phí cho năm học tới theo đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ chi thường xuyên. Mức tăng trung bình gấp đôi hiện nay.

Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, việc này nhằm đảm bảo định mức kinh tế - kỹ thuật và chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo.

Như Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm, hệ chất lượng cao là 35 triệu đồng/năm. Chương trình tiên tiến 45 triệu đồng. Năm tiếp theo, học phí ở mỗi hệ đào tạo tăng thêm 5 triệu đồng.

Với Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm (mức cũ khoảng 12 triệu đồng). Còn chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh là 66 triệu đồng (mức cũ khoảng 30 triệu đồng).

Hai trường còn lại là Trường ĐH Kinh tế - Luật và Trường ĐH Quốc tế với mức học phí dự kiến mới lần lượt là 20,5 triệu (hệ đại trà, tăng gần 10 triệu đồng) và 50 triệu đồng/năm.

Học sinh Trường THPT Gia Định (TP.HCM) trao đổi thông tin tuyển sinh năm 2021. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Nhiều chính sách cho SV giỏi, khó khăn

Mặc dù việc tăng học phí đã được các trường công bố lộ trình từ trước đó nhằm giảm lệ thuộc vào ngân sách, đầu tư nâng chất lượng đào tạo hơn nhưng đối với SV, để theo học được suốt 4-5 năm ĐH với mức học phí quá cao là cả một áp lực rất lớn.

Do đó, bên cạnh việc tăng học phí, các trường cũng có nhiều chính sách học phí, học bổng vừa để thu hút thí sinh giỏi vừa hỗ trợ kịp thời cho SV khó khăn.

Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường khi tăng học phí cũng sẽ trích 8%-10,8% học phí để hỗ trợ học bổng cho SV.

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng đào tạo của Trường ĐH Bách khoa, cho biết trường sẽ hỗ trợ SV tối đa, không để em nào phải nghỉ học vì không đủ tiền học phí trang trải. Các em có thể đóng học phí theo nhiều đợt hoặc trường sẽ có những nguồn học bổng từ ngân quỹ của trường và từ Hội cựu SV để hỗ trợ theo dạng học bổng hoặc cho vay tín dụng.

Tương tự, năm học tới, học phí Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ tăng nhẹ theo lộ trình. Trong đó, học phí hệ đại trà 18,5-20,5 triệu đồng/năm (mức cũ là 17,5-19,5 triệu đồng). Hệ chất lượng cao tiếng Việt thu 29-31 triệu đồng/năm. Chất lượng cao tiếng Anh là 33 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, trường có nhiều chính sách đặc biệt để hỗ trợ SV. Như đào tạo miễn phí 130 chỉ tiêu ở một số ngành trọng điểm, mỗi ngành 20-25 SV: robot và trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô...

Trường còn dành 36 tỉ đồng để cấp học bổng cho SV trong năm 2021 và nhiều suất học bổng 20%-50% học phí cho SV khó khăn. SV nữ học các ngành kỹ thuật cũng sẽ được giảm 25%-50% học phí năm đầu tiên…

Trường ĐH Công nghệ thông tin cũng thông báo hàng loạt suất học bổng có giá trị 40-230 triệu đồng/em dành cho những thí sinh giỏi, có điểm trúng tuyển cao vào trường.

Đặc biệt, trường còn có chính sách học bổng hỗ trợ ở ký túc xá dành cho ba thí sinh, mỗi suất 6 triệu đồng/năm và được cấp trong suốt thời gian ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM.

Riêng với SV chương trình tiên tiến và chất lượng cao, năm nay trường cũng dành 27 suất học bổng cho những em giỏi, 50%-100% học phí học kỳ I năm học 2021-2022.

SV sư phạm tiếp tục được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí

Theo nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với SV sư phạm, từ tháng 11-2020 trở đi, SV sẽ được hỗ trợ hai khoản, gồm tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học.

Ngoài ra, mỗi SV được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập, theo thời gian học thực tế nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Đối tượng được hỗ trợ là những SV học trình độ ĐH, CĐ các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy; SV học văn bằng thứ hai theo hình thức đào tạo chính quy trình độ ĐH, CĐ các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ nhất đạt loại giỏi.

Tuy nhiên, theo nghị định này, SV sẽ phải bồi hoàn chi phí đã hưởng nếu không công tác trong ngành giáo dục sau hai năm kể từ ngày tốt nghiệp; đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.