Hà Nội đổ mưa tiễn biệt 9 người lính hy sinh trên máy bay CASA
Mang băng tang đen trên cánh tay phải, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có mặt từ sớm để viếng 9 quân nhân tử nạn trên máy bay CASA 212 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội).
-
9h05
Nữ đồng đội của 9 chiến sĩ không kìm được những hàng nước mắt.
-
9h00
Nến trên ban thờ được tiếp lửa liên tục.
-
8h45
Con gái nhỏ hơn 2 tuổi của trung tá Lê Văn Đình, nhân viên tuần thám trên không ngồi bệt dưới chân mẹ.
-
8h30
Phía ngoài, hàng trăm người dân bắt đầu xếp hàng chờ vào viếng các liệt sĩ. Có mặt từ hơn 7h sáng, ông Nguyễn Văn Chiến (69 tuổi, cựu chiến binh) cho hay ông rất đau lòng khi đất nước hòa bình rồi mà vẫn có những người lính hy sinh. Cách đây hai năm, cũng tại nhà tang lễ này, ông cùng vợ tiễn biệt 18 chiến sĩ vụ máy bay rơi ở Thạch Thất. Mùa hè hai năm sau đó, ông lại đến tiễn đưa 9 người lính CASA về trời. "Chúng tôi là đồng đội cách nhau nhiều thế hệ, các chú ấy không phải máu mủ ruột rà nhưng cũng như người thân của chúng tôi", ông nói.
-
8h15
9 linh cữu xếp hàng ngang phía sau di ảnh, phủ cờ tổ quốc có dòng chữ "Quyết thắng". Trong số 9 liệt sĩ hy sinh, lực lượng tìm kiếm xác nhận tìm thấy 8 thi thể, còn một người vẫn nằm dưới lòng biển lạnh.
-
8h15
Đoàn của các bộ ngành, cơ quan, đoàn thể lần lượt vào viếng. Người nhà của các chiến sĩ đứng hai bên đáp lễ. Nhiều người vợ trẻ phải dựa vào người thân xung quanh mới đứng vững. Cạnh đó, vài em bé chưa cảm nhận được nỗi đau mất cha, hồn nhiên chơi đùa.
9 người hy sinh phần lớn đều vợ dại con thơ, có anh vợ đang mang bầu tháng thứ 7, người có con trai nhỏ mới tròn 3 tháng...
-
8h00
Bên ngoài nhà tang lễ, trời vẫn mưa khá nặng hạt.
-
7h45
"Đây là sự mất mát to lớn, để lại niềm tiếc thương vô hạn, sự kính trọng của gia đình, người thân của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết trong sổ tang.
-
7h30
Trong hàng ghế thân nhân các chiến sĩ chờ đáp lễ người đến chia buồn, nhiều em nhỏ mang vành khăn trắng được bồng trên tay vẫn say ngủ. Trước đó, nghi thức khâm liệm người đã khuất diễn ra từ 2h sáng.
-
7h30
Dưới dòng chữ "Vô cùng thương tiếc các đồng chí liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn", di ảnh của 9 quân nhân được xếp thành hàng ngang trên hai chiếc bàn dài. Phía sau là 9 vòng hoa mang hình cờ tổ quốc.
-
7h30
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đeo chiếc băng tang đen trên cánh tay áo.
-
7h30
Khuôn viên nhà tang lễ dần trở nên quá tải, dòng xe của người đến viếng phải xếp hàng hai bên đường Trần Thánh Tông, kéo dài khoảng 800m.
Cảnh sát khu vực giữ an ninh tang lễ trong mưa.
-
7h15
Đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn lãnh đạo Quốc hội do Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tiếp nối dòng người vào viếng.
-
7h00
Trời Hà Nội bắt đầu đổ mưa. Tiếng nhạc hồn tử sĩ vang lên tiễn biệt người lính hy sinh trong thời bình. Tang lễ bắt đầu.
Đoàn Quân ủy trung ương dẫn đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ trưởng Quốc phòng đại tướng Ngô Xuân Lịch vào viếng.
Tiếp nối là đoàn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Các cựu lãnh đạo như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trần Đức Lương cũng gửi vòng hoa.
-
6h30
Hàng trăm thanh niên tình nguyện, cảnh sát trật tự, bộ đội phòng không có mặt ngoài nhà tang lễ đảm bảo an ninh, hướng dẫn người đến viếng. Các tuyến đường quanh nhà tang lễ đều có lực lượng cảnh sát giao thông chốt chặn, phân luồng.
-
9 thành viên phi hành đoàn gặp nạn trưa 16/6 trên vùng biển Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), khi chiếc máy bay CASA-212 số hiệu 8983 làm nhiệm vụ tìm kiếm phi công Trần Quang Khải mất tích trên tiêm kích Su-30. Tổ bay gồm 6 sĩ quan và 3 quân nhân chuyên nghiệp, do đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918 cầm lái chính.
Tai nạn kép trở thành biến cố lớn đối với lực lượng không quân, kéo theo nỗ lực cứu hộ của hàng nghìn người từ các lực lượng cảnh sát biển, hải quân, biên phòng, cứu nạn hàng hải, ngư dân, thợ lặn... cùng hàng trăm phương tiện quần thảo trên Biển Đông.
Danh sách 9 thành viên phi hành đoàn CASA-212.
Một người vẫn mất tích
Sau nhiều ngày tìm kiếm, lực lượng ngoài thực địa vớt được các mảnh vỡ từ thân máy bay có dòng chữ "Cảnh sát biển Việt Nam", bánh lốp, áo phao, một chiếc giày, balô đựng vật dụng cá nhân của phi hành đoàn, thảm cao su...
Chiến dịch tìm kiếm gặp nhiều bất lợi khi biển động, sóng to, chạy đua với áp thấp nhiệt đới. Bước sang ngày tìm kiếm thứ bảy, những thi thể đầu tiên của tổ bay được phát hiện. Đến 30/6, 8 thi thể được tìm thấy, còn một người vẫn mất tích. Lực lượng tìm kiếm cũng trục vớt được cả 2 hộp đen của máy bay CASA 212. Hai hộp đen gồm hộp dữ liệu bay và hộp ghi giọng nói sẽ được giải mã để tìm nguyên nhân vì sao CASA-212 gặp nạn.
"Sau 10 ngày tìm kiếm, phi công Nguyễn Hữu Cường trên Su 30 được cứu, phi công Trần Quang Khải hy sinh. 9 thành viên phi hành đoàn CASA-212 cũng đã hy sinh", thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam xác nhận trong cuộc họp báo chiều 24/6.
Chiều 28/6, tàu quân y HQ561 chở thi thể 8 thành viên phi hành đoàn cập cảng 128 Hải quân (Đông Hải, Hải Phòng). Đồng đội đưa thi thể các anh vào vị trí làm thủ tục pháp y, thắp hương tưởng niệm và chuyển vào xe chuyên dụng đưa về nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) để làm lễ truy điệu vào sáng hôm nay.
Truy phong quân hàm, tặng thưởng huân chương cho tổ bay
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết định nâng lương với đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 và 8 sĩ quan, quân nhân trong tổ bay CASA đươc truy thăng một bậc quân hàm. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất với các thành viên của phi hành đoàn CASA-212.
Bộ Quốc phòng cùng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng công nhận 9 sĩ quan, quân nhân tổ bay CASA thuộc Lữ đoàn 918 và đại tá Trần Quang Khải, phi công lái Su-30, Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 là liệt sĩ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng Tổ quốc ghi công cho 10 liệt sĩ hy sinh trong tai nạn máy bay Su-30 và CASA-212.
Nhiều dự định còn dang dở
9 người lính ra đi, mang theo nhiều dự định còn dang dở. Trước ngày 16/6, họ thực hiện chuyến bay với niềm tin tìm được đồng đội sẽ trở về. Người hẹn sơn cánh cửa căn nhà nhỏ, người định đón vợ con xuống chung cư mới mua, người định đổi chiếc xe Dream đã cũ nát... Dự định của người lính bình thường, giản đơn, chỉ mong chăm lo cho vợ con được đủ đầy.
Thượng úy Lê Đức Lam và trung tá Nguyễn Văn Chính trò chuyện trong một lần thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Đồng đội cung cấp.
Thượng úy Lê Đức Lam hẹn cuối tuần đưa chú Trung cùng đơn vị đi ăn bún chả. Anhnuôi lợn đất nửa năm được 1,5 triệu đồng để dành cho con đầu lòng sắp chào đời. Chị Thúy Nga, vợ anh đang mang bầu ở tháng thứ 7. Thiếu tá Lê Văn Đình mới thế chấp sổ lương, vay tiền mua chung cư ở Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Cưới nhau bốn năm, vợ chồng anh chuyển nhà trọ 6 lần. Anh nói với vợ là chị Thắm rằng "Sau chuyến bay về, anh sẽ đón 3 mẹ con lên nhà mới".
Căn nhà 28 m2 được bố mẹ vợ cho mượn của thượng úy Nguyễn Văn Thái còn nồng mùi vôi. Anh mới cơi thêm gác xép nhỏ cho con gái lớn 7 tuổi có chỗ học bài và đang dành tiền để vợ và hai con gái có một chuyến du lịch từ Bắc vào Nam. Trước ngày lên đường làm nhiệm vụ, anh hứa mua cho con quyển truyện tiếng Anh chữ to và dặn vợ: "Còn cái cửa để cuối tuần anh tranh thủ về sơn nốt cho 3 mẹ con".
Hồi chưa có con, vợ chồng thượng úy Nguyễn Văn Thái trọ trong căn phòng giá một triệu, có con rồi chuyển nhà thuê 2,5 triệu mỗi tháng. Cuối năm 2015, anh được thuê nhà công vụ của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển ở Hà Đông. Người lính ấy từng sắm một bộ đồ nghề tranh thủ cắt tóc sau giờ làm việc. Rảnh rỗi anh lên mạng xem ai thanh lý máy tính cũ để mua về bảo dưỡng, sửa chữa rồi bán lại, "lãi vài trăm vẫn vui vì giúp được vợ có thêm đồng ra đồng vào".
Tuần trước, anh về qua nhà ăn cơm, tự tay cắt tóc cho con trai lớn 4 tuổi và con trai nhỏ 21 tháng tuổi và nói với mẹ "Đơn vị đang trực cao điểm, con sợ cuối tuần bận không về được". Hai vợ chồng định cuối năm đổi xe mới vì chiếc Dream cũ anh đang đi nát quá rồi...
Trong nhà trung tá Nguyễn Văn Chính, nhà trung tá Nguyễn Ngọc Chu, nhà thiếu tá Lê Văn Đình và nhiều thành viên tổ bay CASA gặp nạn đều treo một bức tranh: tuần thám CASA-212 lướt trên sóng nước Trường Sa như con cá voi quẫy trên mặt biển. Tranh nổi bật với hai màu xanh và trắng - màu của sóng, của trời, của biển và của chiếc CASA, điểm thêm màu đỏ của cờ Tổ quốc bay trong gió. Tuần thám CASA là niềm tự hào của họ - những người lính bay trên đầu ngọn sóng.
Diễn biến hai máy bay gặp nạn:
- Sáng 14/6, tiêm kích Su-30MK2 số hiệu 8585 gặp nạn ở vùng biển phía đông Nghệ An, gần đảo Mắt khi đang bay huấn luyện. Trên máy bay có thiếu tá Nguyễn Hữu Cường và thượng tá Trần Quang Khải. Một ngày sau, thiếu tá Cường được tàu ngư dân cứu sống.
- Ngày 16/6, tuần thám CASA 212 số hiệu 8983 mất liên lạc trên vùng biển Bạch Long Vỹ khi làm nhiệm vụ tìm kiếm phi công trên chuyến bay Su-30MK2. Trên máy bay có 9 quân nhân.
- Ngày 17/6, thi thể phi công Trần Quang Khải được tìm thấy.
- Ngày 16-17/6: 42 tàu của các lực lượng Việt Nam và hàng trăm tàu cá ngư dân tham gia tìm kiếm máy bay CASA. Bộ Quốc phòng huy động trang thiết bị hiện đại nhất.
- Ngày 20/6: Phát hiện vật thể có kích thước 13x4 m trong vùng tìm kiếm máy bay CASA, độ sâu 60 m.
- Ngày 21/6: Tập đoàn Airbus, Tây Ban Nha đề nghị phối hợp, giúp đỡ giải mã hộp đen máy bay CASA, tìm nguyên nhân tai nạn.
- Ngày 22/6: 15 tàu Trung Quốc phối hợp tìm kiếm cùng Việt Nam ở phía đông đường phân định vịnh Bắc Bộ.
- Ngày 23/6: Tìm thấy mảnh vỡ máy bay Su 30MK2 và động cơ máy bay CASA số hiệu 8983 cùng nhiều thi thể thành viên phi hành đoàn.
- Ngày 24/6: Bộ Quốc phòng gặp mặt báo chí, xác nhận 9 thành viên tổ bay CASA-212 hy sinh.
- Sáng 26/6: Ngư dân Thanh Hóa vớt được ghế tiêm kích Su-30 của đại tá Trần Quang Khải.
- Ngày 27/6: Lực lượng tìm kiếm vớt được hai hộp đen máy bay CASA, tìm thấy thêm thi thể 2 thành viên phi hành đoàn.
- Ngày 28/6: Vớt thêm thi thể 2 thành viên phi hành đoàn, đưa 8 người về đất liền, còn một người chưa tìm thấy.
Theo vnexpress.net