CHỈ MONG LÀ MẮT XÍCH CẦN MẪN ĐỂ ĐẤT NƯỚC VƯƠN XA
Theo (Chinhphu.vn) - Không chỉ cống hiến tài năng và nhiệt huyết của mình, họ - những cán bộ đoàn - là những nhà khoa học, kỹ sư luôn mong muốn làm chủ khoa học kỹ thuật để đưa đất nước vươn xa.
Tiến sĩ Chu Đức Hà, Bí thư chi đoàn Viện Di truyền nông nghiệp |
Ở tuổi 33, Tiến sĩ Chu Đức Hà, Bí thư chi đoàn Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có 108 công bố khoa học trong nước và quốc tế. Trong đó, nhiều đề tài anh tham gia nghiên cứu đã đưa công trình từ “giấy A4” ra thành gene, giống lúa quý.
Bên cạnh thời gian tham gia công tác nghiên cứu khoa học, anh Chu Đức Hà còn mở rộng kết nối mạng lưới các nhà khoa học trẻ thông qua vai trò của đoàn thanh niên, như tổ chức hội thảo khoa học giữa các cơ sở đoàn tại các trường đại học (như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Công nghệ) và viện nghiên cứu; xây dựng công trình thanh niên giữa các cơ sở đoàn (như Chương trình trồng cây đầu xuân thường niên với Học viện Cảnh sát nhân dân, công trình thanh niên tại Yên Bái).
“Tôi luôn hướng đến việc kết nối với một số trường đại học nhằm lan tỏa niềm yêu thích ngành công nghệ sinh học cho các bạn sinh viên. Phong trào thanh niên giúp ích rất nhiều cho các nhà khoa học trẻ như chúng tôi, không chỉ cải thiện về ‘kỹ năng mềm’, khả năng ứng xử mà còn là cơ hội quý báu để kết nối với các bạn trẻ trong nước hay đang công tác và học tập tại nước ngoài”, anh Hà tâm sự.
Anh Hà cho biết thêm, một trong những điểm mạnh của các nhà khoa học làm công tác đoàn là hướng đến việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp của địa phương. Với các giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các giống lúa chống chịu đa yếu tố sâu bệnh hại của nhóm nghiên cứu tại Viện Di truyền Nông nghiệp, rõ ràng có thể kết nối thông qua kênh Đoàn thanh niên với các cơ sở đoàn địa phương trong việc triển khai các khảo nghiệm để thuyết phục bà con nông dân ở những vùng chịu ảnh hưởng.
Kỹ sư Đào Thanh Oai, chuyên viên phòng Kỹ thuật và An toàn, Bí thư Chi đoàn Cơ quan Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN, người từng được vinh danh tại Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc lần thứ III năm 2020 về giải pháp mang lại giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng, cũng là cán bộ đoàn được nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm nay. Anh đã có 4 công trình nghiên cứu về lĩnh vực kỹ thuật điện đăng trên tạp chí uy tín trong nước; đoạt Giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ ngành điện lực Việt Nam năm 2019 về lĩnh vực sửa chữa bảo dưỡng vận hành hệ thống điện.
Ngoài đam mê về kỹ thuật, anh Đào Thanh Oai còn đam mê Toán học. Anh đã có 10 công trình toán học đăng trên các tạp chí quốc tế (Mỹ, Anh, Canada, Bungaria, Romania).
“Là thanh niên, tôi luôn mong muốn chinh phục mọi đỉnh cao, cụ thể đối với tôi là nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào thực tiễn trong các nhà máy điện. Tôi luôn tự hỏi, tại sao những người nước ngoài làm được mà người Việt mình thì chưa, và tại sao phải thuê chuyên gia với giá quá cao so với giá thóc lúa của dân mình. Điều đó thôi thúc tôi tìm kiếm ra câu trả lời và đưa ra được nhiều giải pháp”, anh Đào Thanh Oai tâm sự.
Kỹ sư Đào Thanh Oai (áo tím) tại đơn vị |
Cống hiến nhờ ‘tâm’ và ‘tầm’
“Sự cống hiến cho xã hội của các nhà khoa học, đôi khi chỉ là những bài báo, những quy trình kỹ thuật, những giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng để chuyển hóa những tờ giấy A4 đó ra cuộc sống còn là một chặng đường khá dài.
Tôi vẫn nhớ một câu chuyện mà thầy cô đã nhắc nhở thế hệ trẻ chúng tôi, tóm lại "công nghệ sinh học" là gì? Đó đơn giản là sử dụng các nguyên lý sinh học để biến thành sản phẩm và sản phẩm đó được áp dụng thương mại hóa, phục vụ đời sống xã hội. Bản thân tôi cũng có rất nhiều công trình khoa học, nhưng tôi vẫn trăn trở và cố gắng để có thể hiện thực hóa nhiều "trang giấy A4" hơn cho xã hội”, anh Chu Đức Hà nói.
Kỹ sư Đào Thanh Oai (ngoài cùng bên phải) dự lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Vũ Phong |
Cũng như anh Chu Đức Hà, cán bộ đoàn Đào Thanh Oai bày tỏ mong muốn tập hợp được nhiều những có cùng nhiệt huyết, đam mê và năng lực trong tổ chức của mình để cùng nhau phát triển, đóng góp cho đơn vị và cho đất nước.
“Có nhiều tổ chức nước ngoài mời tôi về làm việc với mức lương rất cao nhưng tôi vẫn muốn ở lại để phục vụ Tổ quốc. Đối với chúng tôi, tuổi trẻ sẽ càng có ý nghĩa hơn khi được cống hiến cho đất nước, đóng góp trí tuệ và tâm huyết của mình cho sự phát triển nước nhà”, anh Oai tự hào nói.
Ngoài ra, anh Chu Đức Hà cũng cho rằng, việc hình thành mạng lưới các nhà khoa học trẻ trong nước và đang công tác tại nước ngoài là rất quan trọng vì nó tạo ra mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu.
“Tôi hy vọng mình sẽ là một mắt xích cần mẫn, không bao giờ mệt mỏi và luôn cháy hết mình cho khoa học cũng như cho xã hội. Hơn nữa, có rất nhiều động lực thôi thúc chúng tôi cống hiến cho đất nước, đó là động lực bơi ra biển lớn, khát vọng làm chủ tri thức, ước mơ được đứng ngang hàng với các nước trên thế giới. Tôi vẫn luôn nhớ câu nói của một vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc lần thứ 3 rằng, ‘Việt Nam to hay nhỏ, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào các bạn thanh niên tri thức bây giờ’, anh Chu Đức Hà chia sẻ.
Vũ Phong